Điểm cao vẫn trượt, ban tuyển sinh trường ĐH lưu ý 2K3 những điều này khi xét tuyển

Điểm chuẩn đại học năm nay chứng kiến sự tăng chóng mặt của nhiều ngành. Đáng chú ý, một số ngành cần trung bình ít 8,7 điểm/môn hay 30 điểm tuyệt đối mới có khả năng đậu. Để không uổng phí sự cố gắng của mình, 2K3 cần lưu ý những gì cho mùa tuyển sinh 2021 - 2022?
Điểm cao vẫn trượt, ban tuyển sinh trường ĐH lưu ý 2K3 những điều này khi xét tuyển

Nhiều con đường đi đến giảng đường mơ ước

Thầy Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, nhiều bạn chỉ quan tâm đến vài số ít phương thức xét tuyển hay chỉ một phương thức xét tuyển bằng điểm chuẩn.

Thầy chia sẻ: “Tại trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, việc tuyển sinh theo các phương thức bao gồm: Dùng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG-HCM, tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG-HCM. Theo thống kê, 85% thí sinh trúng tuyển khóa 2020 đều sử dụng phương thức dùng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học”.

Không hẳn nhiên mà nhiều trường đại học lại mở nhiều phương thức xét tuyển. Tất cả là để cho thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn khi một trường hợp nào không may xảy ra.

Bạn Chí Cường (Quận 3, TP.HCM) kể: “Mình có một người bạn học chuyên ban xã hội. Khi xét đại học, bạn xét hầu như tất cả các hình thức từ xét điểm học bạ, xét bằng điểm thi tốt nghiệp, bằng điểm thi đánh giá năng lực… Khi có điểm thi tốt nghiệp, bạn không ngậm ngùi, đắn đo suy nghĩ điểm mình có đậu hay không mà thử tiếp kỳ thi đánh giá năng lực. Đến giờ bạn chẳng còn quan tâm đến điểm thi của mình nữa vì bạn ấy đã đậu vào trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM bằng điểm của kỳ thi đánh giá năng lực ấy”.

Cô Kim Hiệp (giáo viên môn Địa, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) thường khuyến khích học sinh lựa chọn nhiều phương thức xét tuyển vì nhiều lợi ích. Cô chia sẻ: “Trong mùa tuyển sinh 2020, các trường Đại học sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Ngoài xét tuyển dựa trên điểm thi THPT Quốc gia năm 2020, nhiều trường còn sử dụng cả phương thức xét học bạ. Việc xét học bạ giúp giảm bớt áp lực thi cử cho thí sinh và sẽ không có tình trạng thí sinh đổ dồn về các thành phố lớn. Đồng thời, điều này đảm bảo chung của cả nước vì điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đồng thời giảm áp lực, chi phí nói chung đối với học sinh và xã hội”.

Vì sao điểm cao vẫn trượt?

Thầy Trần Nam nhận định: “Những ngành như Báo chí, Tâm lý học, Ngôn ngữ Anh, Quan hệ quốc tế… không phải năm nay điểm chuẩn mới cao mà thực tế này đã diễn ra hàng chục năm nay. Các bạn học sinh cũng cần lưu ý về logic: Đề thi dễ thì điểm chuẩn sẽ cao và ngược lại”.

Có thể thấy, các trường hợp "điểm cao vẫn trượt" là vì các thí sinh chọn ngành hot. Thực tế, nếu thí sinh chọn nguyện vọng khác phù hợp với năng lực, "tấm vé" giảng đường mơ ước nằm trọn trong tay thí sinh. Điểm chuẩn cao hay thấp là điều bạn không thể quyết định được. Tuy nhiên, điều bạn có thể làm là THỬ! Phải thử nhiều cách và con đường để đi đến nơi mà mình muốn.

“Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học hay các kỳ thi quốc gia tương tự là một phương án tốt, nhưng không phải là phương thức tối ưu nhất để chọn ra những cá nhân tài năng và phù hợp nhất với một ngành học nào đó. Có nhiều ngành học cần sự lượng giá năng lực ứng viên một cách đa chiều hơn như: dùng điểm thi sát hạch theo tiêu chí riêng của ngành học, dùng bài phỏng vấn trực tiếp, ứng viên trình bày bài luận hay xét đến hoạt động xã hội. Có lẽ, xu hướng về phương thức tuyển sinh sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới”, thầy Trần Nam cho biết thêm.

Không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Vì vậy, 2K3 ơi, nếu bạn còn ngồi ở trên ghế nhà trường, hãy tham khảo tất cả phương thức tuyển sinh năm nay để lấy cho mình kinh nghiệm, để không phải “đau tim” vì mình đặt niềm tin quá nhiều vào quá ít lựa chọn nhé!

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi