Chuyên gia đưa ra lời khuyên chọn ngành và điều chỉnh nguyện vọng để không hối hận

Là chuyên gia tư vấn tâm lý, nghề nghiệp, trước mỗi mùa tuyển sinh, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Quản lý Giáo dục, trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, lại ngập trong các câu hỏi. Ông đưa ra 4 bước chọn ngành nghề để giúp thí sinh có định hướng đúng đắn.
Chuyên gia đưa ra lời khuyên chọn ngành và điều chỉnh nguyện vọng để không hối hận

PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho biết, đa số câu hỏi gửi đến tổ tư vấn đều cùng một kiểu như ngành này có tương lai không, hoặc ngành này có thất nghiệp không? Trong khi đó, cũng không ít thí sinh thổ lộ việc chọn ngành theo định hướng của người nhà, do bố mẹ có mối quan hệ nên “gửi gắm” để sau này có việc. Ông Hà khẳng định, năng lực mới là thước đo quan trọng để đảm bảo cho một công việc ổn định sau này. Do vậy, thí sinh hãy loại bỏ ngay suy nghĩ ỷ lại vào gia đình vì trong chọn ngành nghề, bố mẹ không thể là lá chắn che chở suốt đời.

Theo ông Hà, mẫu số chung của những người dễ kiếm được việc làm là sự say sưa nghiên cứu và trải nghiệm công việc ngay từ khi còn là sinh viên để tích lũy kỹ năng, thỏa mãn yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhấn mạnh tính cách cá nhân là tiêu chí quan trọng để chọn ngành học, ông Hà đưa ra 6 nhóm tính cách và cách nhận biết thông qua những gì cha mẹ thường phàn nàn về bản thân mỗi thí sinh.

Những thí sinh hay bị mẹ mắng “việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng” thường có tính cách xã hội, thích giao tiếp và giúp đỡ mọi người, có thể phù hợp ngành nghề thương mại, kinh doanh, báo chí, marketing… Những học sinh hay lý sự với người lớn, hay đầu têu những trò nghịch ngợm ở lớp, bị thầy cô phê bình nhưng lại được bạn bè yêu mến thường là những thí sinh có tố chất lãnh đạo và tư duy phản biện, có thể tìm hiểu ngành nghề quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh...

Những thí sinh hay bị mắng vì tội lọ mọ, tháo tung đồ điện trong nhà để nghiên cứu thường có tư duy kỹ thuật, phù hợp những ngành nghề cơ khí, kỹ sư công nghệ... Thí sinh ngoan ngoãn, ít nói, ngại thay đổi, hay được cầm quỹ lớp... thuộc nhóm tính cách “công chức”, phù hợp nghề kế toán, kiểm toán, nhân viên quản trị văn phòng...

Những học sinh học rất giỏi, lúc nào cũng thấy ngồi ôm sách vở, ít đi chơi thuộc nhóm tố chất nghiên cứu, phù hợp trở thành nhà nghiên cứu khoa học, giảng viên đại học... Một số người có đầu óc sáng tạo, hay bị mắng “suốt ngày mơ mộng”, yêu thơ ca, ghét công việc cứng nhắc... hay có tính cách nghệ sĩ, triển vọng trở thành kiến trúc sư, nhân viên quan hệ công chúng, nhà văn...
Ðiều chỉnh nguyện vọng theo nguyên tắc “nước chảy”

Sau nhiều năm nghiên cứu, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, PGS Phạm Mạnh Hà đưa ra 4 bước chọn ngành nghề để giúp thí sinh có định hướng đúng đắn,theo đó, cần trả lời các câu hỏi lần lượt: tôi thích nghề gì, tôi phù hợp nghề gì, tôi chọn nghề gì, tôi nên học tập ở đâu?

Ông Hà cũng khuyên thí sinh về cách điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi. “Thực tế, có nhiều học sinh đỗ hoặc trượt một cách oan ức vì thay đổi nguyện vọng không đúng. Do vậy, các em chỉ thay đổi khi đã có sự nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ, nếu thấy không có khả năng thì mới đổi nguyện vọng.

Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên lần lượt như sau: nguyện vọng 1 dành cho những trường có mức điểm cao hơn, nguyện vọng 2 cho trường ngang với mức điểm của bản thân và nguyện vọng 3 cho các trường thấp hơn mức điểm của mình để chắc chắn đỗ”, ông nói.

Theo ông Hà, thí sinh không nên xét tuyển cùng lúc nhiều nhóm ngành khác nhau. “Nếu các em chọn ngành dàn trải, sẽ rất khó để có việc làm sau khi ra trường. Thí sinh chỉ nên chọn 1-2 ngành mà mình thực sự yêu thích và lựa chọn các trường có mức điểm phù hợp”, ông khuyên.

Nguồn tin: tuyển sinh số

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi