Sắp hết hạn đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh lưu ý gì để chọn đúng ngành, dễ trúng tuyến nhất?

Dù đã hết hạn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT nhưng đến thời điểm này, các thí sinh vẫn có thể đăng ký nguyện vọng trực tuyến đến 17h ngày 16/5.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo lịch của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký nguyện vọng trực tuyến có thể điều chỉnh, thay đổi cho đến trước 17h ngày 16/5. Gần hết hạn đăng ký, thí sinh nên lưu ý một số điều sau:

Không cần thiết đăng ký quá nhiều nguyện vọng

  Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, thí sinh nhiều nhất đăng ký tới 99 nguyện vọng. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, các thí sinh thường chỉ quan tâm 1-5 nguyện vọng đầu, các nguyện vọng sau dù có trúng tuyển cũng không theo học. Vì thế, việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng như vậy là thừa thãi, không cần thiết. 

  Theo ThS Phạm Doãn Nguyên - Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, chỉ cần đăng ký 3 đến 5 nguyện vọng là vừa. 

Chọn ngành, chọn nghề phù hợp bản thân

  Muốn chọn ngành đúng với bản thân thì trước tiên học sinh cần phải hiểu rõ về chính mình. Mỗi một ngành nghề trong xã hội này đều có những yêu cầu đặc thù về năng khiếu cũng như năng lực khác nhau để thành công. Nghề nghiệp lý tưởng chính là sự giao thoa giữa thứ mình thích; điều mình có khả năng, và quan trọng nhất, thứ xã hội cần.

  ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) khẳng định, ngành học nào đang được đào tạo trong các trường đều có nhu cầu trong xã hội.

  Một số câu hỏi ông Quán nhận được nhiều nhất là: Em học ngành này ra có việc làm không? Cơ hội việc làm ngành này như thế nào? Trường có bảo đảm em tốt nghiệp xong sẽ có việc làm hay không? Em sợ ra trường làm trái ngành quá. Lương ngành này cao không?....

  ThS Phùng Quán cho rằng, sẽ chẳng có trường nào, ngành nào có thể bảo đảm cho em có việc làm 100% nếu em không đủ năng lực, không có kỹ năng và thái độ làm việc tốt. Khi có năng lực chuyên môn tốt, có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, có kỹ năng mềm thì chắc chắn sẽ có công việc như ý.

  Thu nhập khi ra đi làm, doanh nghiệp sẽ trả lương dựa trên ba yếu tố (P1) Position - vị trí công việc, (P2) Person - năng lực cá nhân và (P3) Performance - kết quả công việc mà sẽ trả công cho phù hợp. Chính vì vậy, ngoài việc chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở trường thì người học cũng luôn cần có rèn luyện, phấn đấu tốt trong học tập. Sự năng động, thái độ tích cực để hòa nhập trong những môi trường mới cũng quan trọng không kém gì kiến thức chuyên môn - ông Quán nhận định.

Trước chọn ngành, sau chọn trường

  GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay các thí sinh còn có cơ hội 3 lần điều chỉnh sau khi biết kết quả thi THPT. Vì vậy, việc chọn ngay từ bây giờ quá nhiều nguyện vọng là thừa thãi, và cũng không làm tăng cơ hội trúng tuyển vào những ngành, trường mà thí sinh yêu thích.

  "Các thí sinh cần tìm hiểu kỹ về các trường đại học và những ngành nghề mình yêu thích, xét học lực của bản thân, nghiên cứu điểm trúng tuyển của các năm trước. Đó là những thông số quan trọng để lựa chọn trường và đăng ký nguyện vọng. Nguyên tắc là: Trước chọn ngành, sau chọn trường", GS Đức đưa lời khuyên.

  Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, đăng ký 1 ngành khoảng 3 nguyện vọng và một trường khoảng 3 ngành: “Ngành phù hợp với năng lực của mình đặt ở mức trung bình, còn phải đăng ký ở mức cao hơn để phấn đấu và cả mức thấp hơn để an toàn”.

Sắp xếp nguyện vọng thông minh

  Nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Trúng tuyển nguyện vọng 1 thí sinh sẽ không được xét các nguyện vọng sau. Việc được đăng ký nhiều nguyện vọng đồng nghĩa với tăng cơ hội trúng tuyển, nhưng nếu không sắp xếp hợp lý sẽ dễ bị rối, đặc biệt là chọn sai trường, sai nghề. 

  Thí sinh nên để 2 nguyện vọng đầu là các ngành, các trường có điểm chuẩn nhỉnh hơn năng lực của mình 1 chút, 3 nguyện vọng tiếp theo là các ngành, các trường phù hợp năng lực và nên có khoảng 2-3 ngành điểm chuẩn mọi năm thấp hơn năng lực để tăng cơ hội vào ĐH. Nhưng thí sinh nên lưu ý điều thật sự cần thiết là trước khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần hiểu được mình muốn làm nghề gì và muốn được phát triển trong môi trường như thế nào.

  Khi đã hiểu điều mình mong muốn, thí sinh sẽ lựa chọn nhóm ngành và nhóm trường phù hợp với mong muốn của mình, trong đó đảm bảo có các trường ở nhóm điểm cao và nhóm điểm thấp hơn, và sắp xếp lại theo mức độ yêu thích của mình. 

Không nên ỷ lại vào việc điều chỉnh nguyện vọng 

  Năm nay khác với mọi năm ở việc thí sinh được phép điều chỉnh trực tuyến 3 lần trong khoảng thời gian cho phép. Trong khi năm ngoái chỉ cần một cú nhấp chuột xác thực là thí sinh sẽ không được phép chỉnh sửa thêm nữa. 

  Tuy nhiên, học sinh không nên ỷ lại vào việc được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần. Bởi khi chỉ cho phép điều chỉnh 1 lần tức là thí sinh cân nhắc thật kỹ càng rồi mới quyết định, điều chỉnh là chốt. Nhưng khi có 3 lần lại khiến thí sinh dễ phân vân, suy nghĩ không chín chắn dẫn đến có thể lựa chọn lần 3 lại là lựa chọn xấu nhất. Tuy nhiên, chọn 1, 2, 3 lần hay nhiều lần đi chăng nữa thì nếu không biết cách chọn lựa, bị phân tán tư tưởng thì cũng sẽ không có được lựa chọn tốt nhất.

Nguồn tin: tuyển sinh số

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi