Nhìn lại hơn 20 năm thay đổi kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH ở Việt Nam

Hơn 20 năm qua, việc tuyển sinh đại học có khá nhiều thay đổi, vài năm trở lại đây, rất nhiều phương thức tuyển sinh mới xuất hiện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giai đoạn trước năm 2002

Giai đoạn trước năm 2002, các trường Đại học tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh của mình. Thí sinh muốn thi trường nào phải nộp hồ sơ và thi trường đó. Đề thi không thống nhất nên điểm thi và điểm chuẩn trúng tuyển của các trường rất khác nhau và thí sinh không thể dùng điểm thi của trường này để xét tuyển sang trường khác nếu không trúng tuyển. Mỗi trường tổ chức thi vào một thời điểm khác nhau ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Giai đoạn từ 2002 - 2014

Từ năm 2002 - 2014 là kỳ thi ba chung do Bộ GD&ĐT đổi mới. Đó là chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả. Kỳ thi chia làm 3 đợt; tổ chức thi tại các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội và TP.HCM; sau đó tổ chức thêm các cụm thi ở Cần Thơ, Bình Định, Nghệ An, Hải Phòng. Đợt đầu dành cho thí sinh thi khối A (Toán, Lý, Hóa), sau này có thêm A01 (Toán, Lý, Anh); đợt sau là các khối khác như khối B (Toán, Hóa, Sinh), khối C (Văn, Sử, Địa), khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ). Thí sinh được thi nhiều khối, nộp hồ sơ nhiều trường nhưng ở đợt sau, thời gian thi khối B, C, D trùng nhau, thí sinh chỉ có thể dự thi một khối.

Kéo dài 13 năm, kỳ thi 3 chung này giảm bớt sự chệnh lệch về đề thi như giai đoạn trước. Từ năm 2004, khi điểm sàn ra đời, dòng “lưu chuyển” thí sinh khá ổn định khi các thí sinh không trúng tuyển nhưng điểm thi còn cao sẽ được xét tuyển vào các trường còn thiếu chỉ tiêu. 

Một trong các chính sách có tác động lớn đến tuyển sinh ĐH, CĐ thời điểm này là chính sách ưu tiên. Điều này khá ảnh hưởng tới các thí sinh khi chỉ cần hơn kém nhau 0,5 điểm là có thể từ rớt thành đậu hoặc ngược lại.

Tuy chưa có đánh giá nào cụ thể, nhưng nhiều người nhận định đề thi chung là thành công lớn nhất của quá trìnhthi '3 chung' này. Đề thi của từng môn ở từng khối thi đã đạt được mục tiêu lớn nhất của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là tính chính xác, không sai sót và độ phân loại thí sinh cao.

Giai đoạn từ 2015 - 2016

Năm 2015, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và các trường ĐH làm căn cứ tuyển sinh. Thí sinh thi 4 môn, với 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý). Thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Riêng thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký thi các môn tuyển sinh ĐH, CĐ.
 

Cũng từ năm 2015, thí sinh không cần chọn trường trước khi thi. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, căn cứ vào điểm số đạt được, thí sinh cân nhắc để đăng ký xét tuyển vào ngành, trường phù hợp. Chính điều này mở ra nhiều cơ hội học đại học hơn so với các năm trước đó nhưng việc 'nộp - rút hồ sơ' đã gây nhiều tranh cãi.

Một lợi ích khác nữa là thay vì trải qua rất nhiều kỳ thi được tổ chức gần nhau gồm tốt nghiệp, đại học, cao đẳng, việc chỉ dự một kỳ thi và sử dụng kết quả cho nhiều mục đích giúp thí sinh giảm áp lực, bớt tốn kém cho gia đình và xã hội.

Giai đoạn từ 2017 - 2019

Kỳ thi THPT quốc gia có sự thay đổi. Thí sinh phải làm ba bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) cùng một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) hoặc thí sinh được lựa chọn cả hai bài thi. Trừ môn Ngữ văn, tất cả chuyển sang thi trắc nghiệm. Năm 2017 khi lần đầu chuyển sang hình thức mới, điểm thi cao đột biến, cơn mưa điểm 10 xuất hiện, kéo theo điểm chuẩn tăng vọt, có nơi lên tới 30,5 cho tổ hợp ba môn. 

Sau một năm biến động, đến năm 2018, đề thi lại quá khó, xảy ra gian lận chấn động một thời gian ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La khi hơn 200 thí sinh được nâng điểm. Năm nay, nhiều thí sinh cũng hoang mang khi đề thi khó, điểm thi thấp. 

Giai đoạn 2020 - 2021

Từ năm 2020, thay vì kỳ thi THPT quốc gia như trước, kỳ thi được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, với mục đích chính là để xét công nhận tốt nghiệp. Dù vậy, đa phần các trường ĐH vẫn dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Cùng đó, Luật Giáo dục đại học sửa đổi (2018) có hiệu lực, cho các trường tự chủ tuyển sinh. Việc xét tuyển sớm bằng nhiều phương thức bắt đầu được mở rộng, song song với dùng kết quả tốt nghiệp. Các trường có thể yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm trước kỳ thi tốt nghiệp. 

Kỳ thi bắt buộc thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp. Học sinh vẫn được chọn một trong 2 bài thi (Khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên) để làm bài nhưng không được chọn cả 2 bài thi như trước.

Năm 2021, xuất hiện thêm hình thức đăng ký nguyện vọng trực tuyến. Học sinh có 2 phương thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên phiếu bằng bản giấy và đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến.

Giai đoạn 2022 - 2024

Kỳ thi vẫn gồm 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp. Học sinh vẫn được chọn một trong 2 bài thi (Khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên). Việc đăng ký nguyện vọng ĐH đã chuyển hoàn toàn sang trực tuyến. Thí sinh xét bằng phương thức nào cũng phải đăng ký trên hệ thống chung để lọc ảo chung. Giai đoạn này có thời điểm xuất hiện Covid -19 nên chia làm 2 đợt tổ chức. 
 

Gần 20 phương thức được sử dụng để tuyển sinh như học bạ hoặc học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế, giải thưởng, điểm thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực... Phần lớn dùng cho xét tuyển sớm, từ tháng 1 tới tháng 5, trước khi kết thúc năm học. Giai đoạn này cũng rất nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng như ĐH Quốc gia HN, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm HN, ĐH Sư phạm TPHCM, các trường Công an... 

Giai đoạn từ 2025

Đây là giai đoạn có lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp, kỳ thi tiếp tục có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 04 buổi thi hiện nay xuống còn 03 buổi thi gồm: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi thi của bài thi tự chọn gồm 2 môn thi trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ - Công nghiệp, Công nghệ - Nông nghiệp, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn).

Thí sinh chọn 2 môn thi của bài thi tự chọn trong số các môn đã được học ở lớp 12. Thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.

Trong năm 2025, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với 2 loại đề thi gồm: Đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (áp dụng đối với thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dự kỳ thi tốt nghiệp trong năm 2025) và đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (áp dụng đối với các thí sinh không học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dự thi kỳ thi tốt nghiệp năm 2025).

Hiện tại quy chế tuyển sinh ĐH từ năm 2025 vẫn chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, theo dự thảo quy chế thì có khá nhiều thay đổi đáng kể. Thí sinh tiếp tục ôn tập và chờ thông tin chính thức từ Bộ GD&ĐT.

Nguồn tin: tuyển sinh số

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi