Những điều sinh viên cần nắm rõ về điểm rèn luyện ở bậc Đại học

Những điều sinh viên cần hiểu rõ về điểm rèn luyện để không làm ảnh hưởng tới kết quả học tập.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điểm rèn luyện là gì?

Điểm rèn luyện không còn là khái niệm gì xa lạ với các sinh viên ngày nay. Hiểu một cách đơn giản, điểm rèn luyện là điểm đạt được khi đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của sinh viên trên năm mặt đánh giá, tính theo thang điểm 100. Điểm rèn luyện sinh viên khác với điểm rèn luyện Đoàn viên. Điểm rèn luyện ở từng mặt đánh giá không được phép vượt quá khung điểm quy định.

Điểm rèn luyện để làm gì? Có quan trọng không?

Điểm rèn luyện tương đối quan trọng, thường được sử dụng để:

- Đánh giá và phân loại kết quả rèn luyện của sinh viên theo từng học kỳ, từng năm học và toàn khóa học.

- Xét duyệt học bổng, xét khen thưởng - kỷ luật, xét thôi học, ngừng học, xét lưu trú kí túc xá và các ưu tiên khác trong quy định của trường.

- Căn cứ xét thi tốt nghiệp, làm luận văn hoặc khóa luận tốt nghiệp; được ghi chung vào bảng điểm kiết quả học tập và lưu trong hồ sơ người học khi tốt nghiệp ra trường.

Theo đó, nếu sinh viên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập thì sinh viên sẽ được xét tốt nghiệp dựa trên điểm trung bình tích lũy, không bị phụ thuộc quá nhiều vào điểm rèn luyện.

Khi sinh viên có điểm có điểm tích lũy loại giỏi/xuất sắc nhưng lại có điểm rèn luyện thấp do đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên thì mới bị giảm hạng tốt nghiệp.

- Điểm rèn luyện cũng là căn cứ quan trọng để sinh viên sau khi ra trường thể hiện bản thân trước nhà tuyển dụng vì trên bảng điểm tốt nghiệp có ghi điểm rèn luyện. Căn cứ vào điểm rèn luyện, nhà tuyển dụng đánh giá một phần về đạo đức, sự năng động, cách sống của sinh viên, mức độ tuân thủ nội quy, pháp luật và nhiều yếu tố khác. 

Thang điểm rèn luyện

Thang điểm rèn luyện có thể phụ thuộc riêng vào quy định của từng trường. Thang điểm rèn luyện để bạn tham khảo dưới đây: 

STT Các mặt đánh giá Khung điểm
1 Đánh giá về ý thức học tập 0 – 20 điểm
2 Đánh giá về ý thức và kết quả chấp hành nội quy, quy chế nhà trường 0 – 15 điểm
3 Đánh giá về ý thức và kết quả tham gia các hoạt động chính trị – xã hội, văn hoá, văn nghệ, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội 0 – 20 điểm
4 Đánh giá về phẩm chất công dân và quan hệ với cộng đồng 0 – 25 điểm
5 Đánh giá về ý thức và kết quả tham gia phụ trách lớp, các đoàn thể, tổ chức trong nhà trường hoặc đạt được thành tích đặc biệt trong học tập, rèn luyện của sinh viên 0 – 10 điểm

Phân loại điểm rèn luyện: 

- Dưới 35 điểm: Xếp loại kém

- Từ 35 - 49 điểm: Xếp loại yếu

- Từ 50 - 64 điểm: Xếp loại trung bình 

- Từ 65 - 79 điểm: Xếp loại khá

- Từ 80 - 89 điểm: Xếp loại tốt

- Từ 90 - 100 điểm: Xếp loại xuất sắc

Làm thế nào để tăng điểm rèn luyện?

Dưới đây là một số cách giúp bạn có thêm điểm rèn luyện như: 

  • Học tập tốt
  • Tham gia hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, đội, nhóm trong trường
  • Tham gia chiến dịch tình nguyện, hiến máu, mùa hè xanh... hoặc tham gia hoạt động, được biểu dương tại địa phương, nơi cư trú
  • Hỗ trợ và tham gia tích cực vào hoạt động chung của trường 
  • Đạt thành tích cao hoặc đặc biệt tại trường
  • Tham gia và hoàn thành nhiệm vụ công tác ban cán sự lớp, công tác đoàn - hội

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi