Phương pháp ôn luyện hiệu quả môn Lịch sử cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Môn Lịch sử là một trong những môn thi quan trọng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đòi hỏi người học không chỉ ghi nhớ kiến thức mà còn phải có tư duy tổng hợp, phân tích và khái quát hóa thông tin. Để đạt kết quả cao, học sinh cần có chiến lược ôn tập bài bản, hệ thống và phù hợp với cấu trúc đề thi mới. Dưới đây là một số phương pháp ôn luyện được tổng hợp từ kinh nghiệm giảng dạy và định hướng từ các chương trình giáo dục hiện hành.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xác định mục tiêu học tập và xây dựng lộ trình ôn thi
   Ngay từ khi đăng ký môn thi, học sinh cần xác định rõ mục tiêu điểm số mong muốn. Từ đó, có thể phân chia quá trình ôn tập thành các giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Ôn tập toàn diện kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.
  • Giai đoạn 2: Ôn tập theo chuyên đề (sự kiện lịch sử, cách mạng, chiến tranh, quan hệ quốc tế…).
  • Giai đoạn 3: Luyện tập các đề thi thử và đề tham khảo theo cấu trúc mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
   Việc lập thời khóa biểu hợp lý theo từng giai đoạn sẽ giúp học sinh chủ động và giảm áp lực trong quá trình ôn luyện.
Hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy
   Sơ đồ tư duy là một công cụ hỗ trợ học tập giúp hệ thống hóa thông tin một cách trực quan và logic. Một số dạng sơ đồ phổ biến có thể áp dụng là sơ đồ cây, sơ đồ chuỗi, sơ đồ Venn, sơ đồ xương cá…
Ngoài ra, học sinh có thể sử dụng mô hình 5W–2H–1L để phân tích sự kiện lịch sử theo các câu hỏi:
  • What? – Sự kiện gì đã xảy ra?
  • When? – Xảy ra khi nào?
  • Where? – Ở đâu?
  • Why? – Vì sao xảy ra?
  • Who? – Ai là người/thành phần tham gia?
  • How? – Diễn biến thế nào?
  • Historic? – Ý nghĩa lịch sử?
  • Lesson? – Bài học kinh nghiệm?
Việc vẽ sơ đồ hoặc lập bảng tổng hợp sau mỗi bài học giúp tăng khả năng ghi nhớ và tư duy hệ thống.
Làm chủ từ khóa và khái niệm trọng tâm
   Môn Lịch sử chứa nhiều thuật ngữ và khái niệm cần được hiểu và phân biệt chính xác như: nguyên nhân chủ quan – khách quan, bước ngoặt – bước phát triển, âm mưu – thủ đoạn, v.v.
   Ngoài ra, học sinh cần nắm vững các từ khóa thường xuất hiện trong đề thi như: chiến tranh lạnh, quyền dân tộc cơ bản, mâu thuẫn giai cấp, chiến lược chiến tranh,… Việc hiểu rõ khái niệm sẽ giúp học sinh chọn được đáp án chính xác trong các câu hỏi trắc nghiệm có tính phân loại.
Áp dụng công thức tư duy khi làm bài
   Một số dạng câu hỏi có thể xử lý hiệu quả thông qua công thức phân tích như:
  • Nguyên nhân – Diễn biến – Kết quả – Ý nghĩa
  • Trước – Trong – Sau sự kiện
Ngoài ra, học sinh có thể sử dụng các cách ghi nhớ ngắn gọn như:
  • Công thức thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Phong trào công nhân + Phong trào yêu nước + Chủ nghĩa Mác – Lênin + Tư tưởng Nguyễn Ái Quốc.
  • Giai đoạn chiến lược chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam: “Chiến tranh đặc biệt” – “Chiến tranh cục bộ” – “Việt Nam hóa chiến tranh”.
  • Ý nghĩa sự kiện: Kết thúc điều gì? Mở ra điều gì? Ảnh hưởng tới ai?
Phân chia kiến thức theo giai đoạn lịch sử
  Việc chia nhỏ kiến thức theo các giai đoạn lịch sử cụ thể giúp học sinh dễ tiếp cận và hệ thống hóa thông tin. Một số giai đoạn tiêu biểu:
  • 1945–1954: Kháng chiến chống thực dân Pháp.
  • 1954–1975: Kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
  • Phân chia theo mốc thời gian cũng tạo điều kiện thuận lợi để so sánh, đối chiếu các sự kiện lịch sử trong bài làm.
  • 1975–2000: Thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Duy trì nhịp độ ôn luyện đều đặn
   Để ghi nhớ lâu dài, học sinh nên duy trì việc ôn tập hằng ngày, không nên học dồn, học vẹt hay học tủ. Nội dung đề thi trải rộng toàn bộ chương trình Lịch sử lớp 12 và có nhiều câu hỏi mang tính tổng hợp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động.
   Việc chia nhỏ nội dung ôn tập theo ngày hoặc theo tuần, học theo chuyên đề, và thường xuyên luyện đề sẽ giúp nâng cao kỹ năng làm bài và hiệu suất ghi nhớ.
   Việc áp dụng các phương pháp ôn tập khoa học, hệ thống và phù hợp với cấu trúc đề thi sẽ giúp học sinh chủ động hơn trong việc tiếp cận môn Lịch sử. Đồng thời, thông qua môn học này, học sinh cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc và phát triển tư duy phản biện, tư duy công dân – những năng lực cần thiết trong thời đại mới.

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi