5 bí quyết đạt điểm cao môn Triết học

Đa số sinh viên lại đánh giá Triết là môn khó nhất và dưới đây là 5 bí quyết đạt điểm cao môn Triết học.

Đối với sinh viên thế giới, môn học khó nhất theo đánh giá của đại đa số sinh viên là Xác xuất thống kê. Nhưng tại Việt Nam, đại đa số sinh viên lại đánh giá môn Triết (Triết học Mác – LêNin) mới là môn học khô khan và khó nhất. Liệu có cách học môn Triết nào để nhanh thuộc và thi đạt điểm cao không?

Triết học với nhiều người chính là môn học tử thần vì lượng kiến thức rất khó để thấm và hiểu rõ trong một thời gian ngắn. Với môn này nhiều người chỉ cầu mong cho đủ điểm qua là được. Những mẹo hay giúp bạn đạt điểm cao môn triết học sau đây không chỉ qua mà còn vượt lên top đầu. Cùng xem nó có những điều hay ho gì mà có thể làm được như vậy nhé.

Hiểu ý nghĩa của bộ môn triết học

Triết học là môn học có tính khái quát, trừu tượng cao, nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ tự nhiên, xã hội đến tư duy làm cho sinh viên thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình học, nhất là các khái niệm, phạm trù, quy luật,…thường khó nhớ và dễ nhầm lẫn. Chưa kể đến những từ ngữ này còn ít gặp nên khi học sinh viên mới đọc và tìm hiểu khái niệm của chúng. Từ đó dẫn đến việc tiếp thu bài giảng chậm lại, thậm chí là chậm hơn nhiều so với những môn ứng dụng khác.

Và khi bạn bước chân vào giảng đường đại học đều phải học môn triết học. Dù bạn có muốn như thế nào cũng không thể tránh khỏi được. Thế nên không cần phải cố trốn tránh làm gì mà hãy học tập thực sự. Sinh viên cần nắm bắt được những khái niệm, từ ngữ trong bộ môn để hiểu được ý nghĩa bộ môn.

Bạn cần hiểu là bộ môn này dùng để làm gì và có tác động như thế nào đến tư duy, cuộc sống cũng như công việc của mình sau này. Việc học một môn học nào đó cũng như khi bạn làm một công việc. Nếu hiểu được rõ ràng mục tiêu của mình thì việc tìm giải pháp cũng sẽ đơn giản hơn.

TS. Nguyễn Đức Luận – Phó trưởng Khoa Triết học, Học viện Báo chí  và Tuyên truyền chia sẻ: “Đối với sinh viên còn học trong trường, môn Triết học tạo cho các em một khả năng tư duy rất tốt, có chiều sâu, giúp cho các em hình thành những phương pháp học tập hợp lý, khoa học. Nếu học giỏi môn này, các em sẽ dễ dàng tiếp cận và học tốt các môn học khác, ngành khoa học khác. Sau khi ra trường, các em càng cần đến Triết học, bởi nó giúp các em có khả năng bao quát rộng, tư duy lôgic, phương pháp làm việc khoa học; khả năng nhìn nhận, đánh giá, giải quyết vấn đề nhạy bén, sâu sắc.”

Xây dựng phương pháp học tập khoa học

Muốn học tập môn triết hiệu quả thì bạn cần có phương pháp học rõ ràng. Nên nhớ tránh việc học vẹt vì như vậy sẽ không tiếp thu được các lợi ích mà triết học đem lại mà nó chỉ giúp bạn vượt qua môn mà thôi.

Vậy học và ôn thi như thế nào cho có hiệu quả, phương pháp học tập hiệu quả môn Triết được đúc rút ra từ nhiều sinh viên được điểm A Triết như sau:

  • Nên chịu khó nghe giảng và ghi bài trên lớp, thầy cô đã tóm gọn kiến thức ngắn gọn và đầy đủ nhất. Những gì cô nói trên lớp là những gì sẽ thi còn tự tìm hiểu thì hiếm hoi lắm mới vào.
  • Học thật kỹ bài giảng trước khi lên lớp, chịu khó gạch chân những phần chưa hiểu rồi hỏi lại giảng viên khi lên lớp. Cảm giác hiểu bài sẽ rất tuyệt vời.
  • Nên học theo kiểu ý chính, tốt nhất là nên ghi lại một lượt cho nhớ. Dùng bút nhớ đánh dấu sẽ rất nổi bật.
  • Học đến phần nào cố gắng liên tưởng đến các ví dụ thực tế. Cái này hay nhất và nhanh nhất để ghi nhớ.
  • Chỉ nên mua các tài liệu có tính chất gợi mở như Hỏi – Đáp về triết học, tránh mua tài liệu quá chuyên sâu dễ phân tán, lan man và phạm vi quá rộng không tập trung.

Nếu bạn muốn đạt được điểm cao khi thi môn Tiếng Anh, hãy tham khảo chia sẻ cách đạt điểm cao môn tiếng anh đại học của chúng tôi.
 

Tự mình làm đề cương ôn tập

Thông thường trước mỗi môn học thầy cô sẽ giao đề cương để sinh viên có thể tự ôn tập dần. Tuy nhiên trên thực tế hiếm sinh viên nào tự làm đề cương mà thường ra các quán photo cổng trường mua các cuốn đề cương được làm sẵn với giá chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn. Cách này sẽ khiến sinh viên khó có thể học tốt và hiểu được. Kiến thức bỏ quá lâu đọc lại khiến sinh viên càng thêm hoang mang và không hiểu bản chất của kiến thức.

Về thực chất, đề cương môn học là sự hệ thống, khái quát  một cách cô đọng nội dung môn học. Việc này cần phải thực hiện ngay sau khi nghe giảng trên lớp, không nên chờ đến kỳ thi mới làm đề cương vì đến lúc đó sẽ không đủ thời gian cho một công việc quan trọng như vậy. Việc làm đề cương môn học buộc chúng ta phải nghiền ngẫm, suy nghĩ để rút ra những nội dung cơ bản nhất, sắp xếp và chia thành ý lớn, ý nhỏ một cách hợp lý, lôgic. Chính vì vậy, việc làm đề cương môn học không chỉ giúp chúng ta hiểu bài mà còn giúp chúng ta nhớ những nội dung cơ bản của bài học, khi vào phòng thi các em sẽ tự tin hơn rất nhiều bởi hiểu kỹ lưỡng và trọn vẹn kiến thức.

Tổ chức các buổi học nhóm

Sinh viên có thể hình thành các nhóm học tập để trao đổi, tranh luận với nhau, nói cho nhau nghe. Những người hiểu rõ vấn đề nên chủ động giảng cho người khác nghe, như vậy tốt cả cho người nghe lẫn người nói, bởi khi nói cho người khác nghe, hoặc giảng cho người khác thì chắc chắn sẽ nhớ được nội dung sâu sắc và rèn luyện được kỹ năng thuyết trình, một việc quan trọng đối với người nghiên cứu triết học.

Trong quá trình học tập, nghiên cứu nếu có điều gì không hiểu sinh viên nên trao đổi trực tiếp với giảng viên trong  các buổi học.

Cách làm bài thi đạt điểm cao

Nhiều sinh viên thuộc bài nhưng đọc đề chưa kỹ, không hiểu rõ đề dẫn đến không xác định được trọng tâm của đề, thường đi lan man, dành thời gian quá nhiều cho những phần phụ mà bỏ quên phần chính. Bên cạnh đó, nhiều bạn tuy hiểu bài nhưng trình bày không khoa học, không lôgic thì cũng rất khó đạt điểm cao.

TS. Nguyễn Đức Luận – Phó trưởng Khoa Triết học, Học viện Báo chí  và Tuyên truyền chia sẻ 1 số kinh nghiệm để làm bài thi triết học đạt điểm cao:

  • Cần đọc kỹ đề, xác định đúng trọng tâm của đề.
  • Trình bày các khái niệm liên quan đến nội dung trọng tâm mà đề thi yêu cầu khoa học
  • Trình bày, phân tích nội dung lý luận về vấn đề mà đề thi yêu cầu (trọng tâm của vấn đề)
  • Rút ra ý nghĩa phương pháp luận của vấn đề
  • Liên hệ với thực tiễn

Ví dụ đề bài: “Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa vật chất – ý thức và rút ra ý nghĩa phương pháp luận từ mối quan hệ đó”. Các em cần phải trình bày, làm rõ khái niệm vật chất, ý thức. Sau đó mới đi vào vấn đề trọng tâm là phân tích mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức (vật chất quyết định ý thức như thế nào, ý thức tác động trở lại vật chất như thế nào), từ đó rút ra ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ này và liên hệ với thực tiễn.

Môn Triết cũng như bất cứ môn học nào, muốn được điểm tốt các sinh viên phải tập cách thích nghi, tạo hứng thú cho những tiết học, đừng nên học theo kiểu nước đến chân mới nhảy hay trông chờ vào trình độ “chém gió” cũng như sự may mắn của mình.

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi