Bộ GD-ĐT có tính đến phương án không thi THPT quốc gia
Thứ hai - 13/04/2020 23:00
Dự kiến hôm nay (14.4), Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia, ứng phó với dịch bệnh Covid-19, trong đó có cả tình huống không tổ chức kỳ thi này.
Hai kịch bản thi và không thi
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: trong tính toán của Bộ, nếu học sinh (HS) có thể đi học trước ngày 15.6 thì vẫn có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào giữa tháng 8.2020. Vì sau khi kết thúc năm học (ngày 15.7), HS cuối cấp còn gần 1 tháng để ôn tập trước khi thi, như thời gian HS được ôn năm 2019. “Nếu dịch bệnh được kiểm soát thì vẫn có thể tổ chức được các kỳ thi, trong đó có thi THPT quốc gia, là điều cần thiết để duy trì động lực học tập của HS”, ông Độ nêu quan điểm.Nếu thi, phương thức cơ bản như năm 2019, nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp. Hiện nay, chương trình học kỳ 2 của lớp 12 đã được tinh giản. Nội dung phần tinh giản sẽ không có trong đề thi. Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh. Bộ cũng sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu đối với HS.
Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết vì lý do bất khả kháng, Bộ cũng tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với luật Giáo dục.
Một tháng đi học, phải làm 39 bài kiểm tra trong 27 buổi !
Đại diện Bộ phân tích: học kỳ 2 có 18 tuần, đã học được 2 tuần trước tết, sau khi tinh giản, chương trình có thể hoàn thành trong khoảng 10 tuần đến khi kết thúc năm học, trước 15.7.
Trong hơn hai tuần từ khi có hướng dẫn dạy học trên internet và dạy qua truyền hình của Bộ (từ 25.3 đến nay), các cơ sở giáo dục đều dạy - học theo phương thức này. Nếu tính từ 15.4 là mốc thời gian các trường dạy học qua internet, trên truyền hình (một số nơi làm sớm hơn), cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi HS quay lại trường (muộn nhất là 15.6) thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo trường trung học chỉ ra rằng tính toán của Bộ phải dựa trên bình diện quốc gia chứ không thể nhìn vào một số trường hoặc một số địa phương làm tốt để “áp” cho đại trà. Nếu lấy mốc muộn nhất là ngày 15.6 trở lại trường thì quá gấp gáp, thậm chí không đủ thời gian cho việc tổ chức các bài kiểm tra định kỳ cho HS theo đúng quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội), phân tích: lớp 12 có 13 môn học. Từ đầu tháng 3 dạy trực tuyến và truyền hình 12 môn, còn môn thể dục chưa dạy. Số bài kiểm tra tối thiểu của 13 môn ở học kỳ 2 theo quy định là 76 bài. Dạy trực tuyến có thể 37 bài kiểm tra thường xuyên (kiểm tra miệng và 15 phút), còn 39 bài kiểm tra định kỳ phải chờ HS đến trường.
Nếu trường học phải đóng cửa cho đến hết ngày 14.6 (chủ nhật), từ 15.6 HS lớp 12 được đến trường. Như vậy, từ 15.6 - 15.7, HS lớp 12 có 27 buổi đến trường (trừ chủ nhật), cả 27 buổi này phải kiểm tra để có 39 đầu điểm, bình quân 1,4 bài/buổi. Suốt 1 tháng, cứ đến trường là làm bài kiểm tra, không môn này thì môn khác, chưa kể cần thời gian để hoàn thiện hồ sơ sổ sách, các thủ tục để kết thúc năm học. “Như vậy gần như các trường không có thời gian nào dạy học... HS có chịu nổi không? Giáo viên có đủ sức và thời gian chấm bài không?”, ông Khang đặt câu hỏi.
Cần có thay đổi, điều chỉnh về kiểm tra, đánh giá
Lãnh đạo các nhà trường cũng chỉ ra rằng, việc Bộ tính toán thời gian 1 tháng có thể hoàn thành chương trình học kỳ 2 nghĩa là Bộ đã “tin” vào kết quả, chất lượng của học trực tuyến, học trên truyền hình trên cả nước, dù thực tế có rất nhiều bất cập như hiện nay.
Nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến Báo, thậm chí còn dùng từ “cầu xin” Bộ không tính thời gian học trực tuyến để thay thế dạy học chính thức. Trong đó rất nhiều ý kiến của HS, giáo viên vì họ thấy hiệu quả không thể đáp ứng được một cách đại trà.
Phóng viên ghi nhận, lãnh đạo, giáo viên các trường ở Hà Nội như Marie Curie, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Hưng Đạo… đều cho rằng nếu HS được đến trường trước 15.5 thì vẫn có thể thi THPT quốc gia vì thời gian còn khá nhiều. Nhưng đến cuối tháng 5 HS mới đi học trở lại thì thời gian còn quá ít. Hoặc nếu thi thì chỉ nên gói gọn nội dung kiến thức của học kỳ 1.
Bên cạnh đó, Bộ cần có thay đổi, điều chỉnh về thực hiện kiểm tra, đánh giá với HS trung học để áp dụng trong học kỳ 2 của năm học này cho phù hợp, không áp dụng quy định cứng như các năm trước.
Những tin mới hơn:
- Trình hai phương án thi THPT quốc gia
- Những sai lầm mà học sinh cuối cấp 2K2 kiểu gì cũng mắc phải
- Nhiều địa phương cho học sinh trở lại trường vào sáng nay
- Học sinh một số địa phương bắt đầu đi học trở lại
- Kinh nghiệm làm bài thi THPT Quốc gia môn Lịch sử
- Vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, sẽ giao cho địa phương chủ trì
- Thi tốt nghiệp THPT 2020: “Học gì thi nấy”, mỗi thí sinh một mã đề riêng
- Đổi thi quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT: Có làm khó gần 1 triệu học sinh?
- Thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ gói gọn trong 1,5 ngày
- Thay đổi lịch sử về thi THPT 2020: Những điểm mới đáng nói
Những tin cũ hơn:
- Ôn thi THPT Quốc gia: Đừng để nước đến chân mới nhảy
- Nếu không thi THPTQG: Sẽ “bùng nổ” hàng loạt phương án xét tuyển ĐH mới
- Xét tuyển học bạ: Linh hoạt trong bước quyết định chọn hướng vào đại học
- Giáo viên lão luyện phân tích, chỉ cách vượt ải đề thi Toán quốc gia
- Nhận định về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020
- Cấu trúc đề thi THPT Quốc gia 2020 tất cả các môn thi
- Ngành Quản trị kinh doanh học gì? Ra trường làm gì?
- Đề thi THPT quốc gia 2020 được bảo quản trong hòm hoặc két sắt, bảo vệ 24h/ngày
- Thi THPT quốc gia 2020: Thí sinh bị đình chỉ 1 môn sẽ bị hủy kết quả tất cả bài thi
- Một số mẹo nhỏ cho các thí sinh làm bài thi trắc nghiệm Tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia