Đổi thi quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT: Có làm khó gần 1 triệu học sinh?
Ngày 22/4, Bộ GD&ĐT đã báo cáo phương án thi tốt nghiệp THPT 2020 lên Chính phủ. Theo đó, kỳ thi chỉ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn giữ bắt buộc thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp. Học sinh sẽ được chọn 1 trong 2 môn (Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên) để làm bài. Như vậy, dự kiến chỉ còn tổng cộng 4 môn thi. Đề thi cũng được tiếp tục giảm tải hơn so với đề tham khảo đã công bố.
Bộ GD&ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính.
Địa phương được giao chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận. Về tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quyền tự chủ được quy định trong Luật.
Sau khi thông tin được công bố, nhiều phụ huynh, giáo viên “sững sờ”, lo lắng.
Liệu có công bằng với các thí sinh khi vào đại học
Chia sẻ với PV Dân trí, phụ huynh Nguyễn Viết Thái ở Cầu Giấy - Hà Nội có con học lớp 12 năm nay buồn bã nói: “Đầu năm, Bộ GD&ĐT tuyên bố vẫn duy trì phương án thi cũ, nay thay đổi đột ngột. Vẫn biết rằng, Covid-19 ảnh hưởng nặng nề về việc học của các con nhưng nếu chỉ để xét tốt nghiệp, thì không cần thi. Nếu có thi, đề dễ thì xét tuyển đại học như thế nào?
“Các cháu đang học theo tư duy đề năm trước, oạch một cái mỗi trường đại học công bố tổ chức thi tuyển một kiểu như thi năng lực, thi rút gọn, thi tự luận… các con lại càng mệt hơn.
Kỳ thi cũ đang giảm chi phí xã hội tiết kiệm, bây giờ đang rất khó khăn lại phải thêm chi phí đi thi cho con. Đề mà không khó, sao phân loại được học sinh vì mục tiêu kỳ thi chỉ xét tốt nghiệp. Đưa ra phương án không sát với thực tế. Tôi nghĩ sẽ có một rừng điểm 10. Tuyển sinh chưa chắc đã chọn được học sinh giỏi vì liệu các địa phương có làm công bằng” – phụ huynh Thái bức xúc nói.
Phụ huynh Nguyễn Thị Hương ở Hà Đông, Hà Nội cho rằng, trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành thế này, Bộ GD&ĐT bỏ kỳ thi quốc gia thay bằng kỳ thi về địa phương chủ yếu để xét tốt nghiệp là quá vội vàng. Học sinh ôn tập miệt mài từ đầu năm theo hướng thi tốt nghiệp và xét đại học, nay thay đổi mục tiêu kỳ thi như vậy sẽ gây xáo trộn lớn.
“Tôi mong muốn Bộ GD&ĐT suy xét lại, năm nay vẫn giữ nguyên kỳ thi quốc gia, một kỳ thi 2 mục đích nhưng giảm bớt môn thi cho các con đỡ khổ. Bên cạnh đó, các trường đại học sẽ xét tuyển thế nào? Lại dự thêm một kỳ thi đại học nữa chăng” – phụ huynh Hương lo lắng nói
Một học sinh tâm sự trên facebook với thầy giáo Vũ Khắc Ngọc ở Hà Nội: “Em không còn chắc chắn và tin vào bản thân mình trước những gì sắp xảy ra nữa, mọi thứ mơ hồ. Em ôn từ tháng 6 năm trước tới giờ, em cứ nghĩ mình sắp chạm tới giấc mơ rồi, nhưng không. Trường ĐH Kinh tế quốc dân mà thi đánh giá năng lực, có đủ môn Hóa, Sử, Sinh, Địa, Công dân như ĐH QGTP.HCM thì em “chết thật” vì từ đầu năm tới giờ em chỉ học mỗi Toán, Lý, Anh”.
Giáo viên Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội cho rằng, với phương án thi chỉ để xét tốt nghiệp này, dường như Bộ GD&ĐT đang “làm khó” gần 1 triệu học sinh.
Dạy và học trong đại dịch Covid-19 như trong thời chiến, nguồn lực thì cạn kiệt mà thi cử lại mệt mỏi hơn, nhiều giáo viên sẽ “tăng huyết áp”, học sinh thì “tăng áp lực” và đề tham khảo của Bộ GD&ĐT sẽ không còn tác dụng.
Thầy Tùng mong muốn, vẫn giữ kỳ thi THPT quốc gia để ổn định cho học sinh, cho toàn hệ thống để đơn giản và tiết kiệm hơn. Từ trước đến nay, mấy ai quan tâm đến thi tốt nghiệp, nhà nhà chỉ quan tâm đến thi đại học.
TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam cho hay, việc điều chỉnh kỳ thi THPT 2020 theo hướng chỉ xét tốt nghiệp như phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra thực tế không sai với Luật nhưng lại làm khó thí sinh vì đột ngột thay đổi.
Tuy nhiên, điều chỉnh này không chỉ khiến nhiều trường ĐH bị động trong xét tuyển mà sẽ “gây khó” cho học sinh, đặc biệt là dễ tạo ra sự không công bằng với học sinh có học lực khá, giỏi, chăm chỉ học tập từ đầu năm đến nay.
Bản chất kỳ thi không thay đổi
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, hôm nay ngày 22/4, trường sẽ họp Hội đồng tuyển sinh để bàn lại phương án xét tuyển trong năm 2020.
Tuy nhiên, ông Triệu cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT đưa ra rất ổn định vì nó phù hợp với bối cảnh hiện tại, bản chất kỳ thi không thay đổi so với năm trước vì phương án chưa nói thí sinh phải thi 2 đợt.
Về mặt văn bản, đây là phương án đổi tên từ kỳ thi THPT quốc gia sang kỳ thi tốt nghiệp THPT để cho minh bạch, rõ ràng, đỡ nhầm lẫn là kỳ thi “2 chung” như hiện nay.
Mọi người lo cũng đúng vì nếu thi chỉ để xét tốt nghiệp thì con vào đại học sẽ thế nào? Ví dụ, chỉ ôn thi toán, lý, hóa nay thi xong tốt nghiệp lại lên trường đại học thi nốt 2 môn mà trường yêu cầu để phù hợp với tổ hợp thi hay sao?... Nảy sinh nhiều vấn đề. Do đó, Bộ GD&ĐT cần công bố sớm phương án cụ thể để phụ huynh, thí sinh, giáo viên hiểu rõ về kỳ thi.
Tuy nhiên, mọi người nhận xét là “gây áp lực”, “làm khó” thí sinh như vậy là cực đoan, suy diễn vì nghĩ rằng mục tiêu chỉ để xét tốt nghiệp. Nhưng phương án có nói đến việc không hoặc cấm cho các trường đại học xét tuyển bằng kết quả này đâu mà các trường thực hiện quyền tự chủ của mình để xét tuyển.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm tuyển sinh trường ĐH Kinh tế quốc dân, ông Triệu bày tỏ: “Quan điểm cá nhân của tôi, vẫn hoàn toàn có thể sử dụng được kết quả thi tốt nghiệp này để xét tuyển vào đại học. Vì kết quả điểm thi của thí sinh cùng chung một mặt bằng thì các trường đại học tổ chức thi thêm để làm gì. Thi riêng chỉ trong trường hợp không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vì dịch Covid-19 hoặc mỗi tỉnh một đề khác nhau nhưng đây là vẫn chung đề.
Bên cạnh đó, sau 4 năm kinh nghiệp thi THPT quốc gia vừa qua, sau hàng loạt sự cố gian lận bị phát giác, hàng loạt người tham gia gian lận bị vào tù và hiện vẫn đang điều tra tiếp thì tôi tin kỳ thi này sẽ được làm nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu ở mỗi tỉnh nếu để xảy ra sai phạm thì tôi tin sẽ có một kỳ thi công bằng, minh bạch”.
Tuy nhiên, TS.Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Thủy Lợi lại cho rằng, thi THPTQG hay thi tốt nghiệp THPT thì đều phải tổ chức một kỳ thi và mục đích làm gì đối với mỗi kỳ thi là do chúng ta chứ không phải do luật, luật do các nhà quản lý đề xuất.
Còn chọn phương án nào cho tốt thì phải xem xét đến một số yếu tố cơ bản sau trong bối cảnh giáo dục cũng chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Cụ thể phải trả lời được các câu hỏi: Học sinh, người học được gì sau kỳ thi đó; sau đó có phải tham gia các kỳ thi khác hay không? Kết quả kỳ thi đó làm gì? Nếu chỉ để có bằng tốt nghiệp THPT không thôi thì có đáng có một kỳ thi không? Nếu để đánh giá chất lượng của hệ thống GDPT không thôi, có cần thiết không?
“Trong bối cảnh Covid -19 như thế này các em học sinh nói chung và học sinh lớp 12 nói riêng đã rất mệt mỏi thì việc tinh gọn, giảm tải kỳ thi là cực kỳ cần thiết” – TS Thạc nhấn mạnh.
TS Thạc kiến nghị: “Cơ quan quản lý, làm như thế nào, tổ chức ra sao để cùng đạt mục tiêu cho toàn hệ thống giáo dục và đặc biệt là không gây rối loạn về tâm lý, rối loạn về định hướng cho học sinh; không gây rối loạn về cách thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng nghề..., không gây thêm tốn kém cho xã hội, người dân trong bối cảnh cuộc sống đã đang gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19 gây nên".
"Xin hãy cân nhắc thấu tình, đạt lý vì toàn cục dịch bệnh, giáo dục hiện nay” – TS Thạc tha thiết.
Những tin mới hơn:
- Thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ gói gọn trong 1,5 ngày
- Thay đổi lịch sử về thi THPT 2020: Những điểm mới đáng nói
- Các trường đại học có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 để tuyển sinh
- Sẽ công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
- Thông tin mới nhất về kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dự kiến được tổ chức từ ngày 8/8/2020
- Kiến nghị Bộ trưởng Giáo dục hạn chế việc xét tuyển vào đại học bằng học bạ
- Những điểm mới nhất đã "chốt" về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
- Đăng ký nguyện vọng như thế nào để dễ đỗ Đại học nhất?
- Đối tượng ưu tiên, điểm ưu tiên khu vực tuyển sinh Đại học
Những tin cũ hơn:
- Thi tốt nghiệp THPT 2020: “Học gì thi nấy”, mỗi thí sinh một mã đề riêng
- Vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, sẽ giao cho địa phương chủ trì
- Kinh nghiệm làm bài thi THPT Quốc gia môn Lịch sử
- Học sinh một số địa phương bắt đầu đi học trở lại
- Nhiều địa phương cho học sinh trở lại trường vào sáng nay
- Những sai lầm mà học sinh cuối cấp 2K2 kiểu gì cũng mắc phải
- Trình hai phương án thi THPT quốc gia
- Bộ GD-ĐT có tính đến phương án không thi THPT quốc gia
- Ôn thi THPT Quốc gia: Đừng để nước đến chân mới nhảy
- Nếu không thi THPTQG: Sẽ “bùng nổ” hàng loạt phương án xét tuyển ĐH mới