Kết thúc điều chỉnh nguyện vọng: Dự đoán điểm chuẩn ĐH sẽ ra sao?

Ngày 5.9 là ngày cuối cùng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học (ĐH) bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn các ngành được dự đoán ra sao so với điểm sàn và điểm chuẩn năm ngoái?

Ngành nào có thể lên tới 27 - 28 điểm?

Theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, điểm chuẩn các ngành của trường năm nay có thể bằng hoặc cao hơn năm trước khoảng 0,5 điểm. Năm 2020, điểm chuẩn ngành cao nhất của trường là kỹ thuật phần mềm với 27,7 điểm và ngành có thấp nhất là công nghệ thông tin (chất lượng cao định hướng Nhật Bản) với 23,7 điểm.

Đến thời điểm này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM vẫn đưa ra dự đoán điểm chuẩn các ngành của trường không thay đổi nhiều so với năm 2020. Năm 2020, điểm chuẩn ngành cao nhất tại Trường ĐH Y dược TP.HCM là y khoa với 28,45 (phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT) và 27,7 điểm (phương thức kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ tiếng Anh). Ngành thấp nhất là y tế công cộng, 19 điểm.

Trong khi đó, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ tăng khác nhau tuỳ ngành và chương trình so với năm ngoái. Trong đó, một số ngành năm ngoái có điểm chuẩn từ 23 - 25 thì năm nay sẽ không tăng nhiều. Ngành có mức điểm phân khúc thấp có thể không tăng hoặc tăng rất ít. Những ngành có điểm chuẩn tốp đầu khả năng tăng ít hoặc giữ nguyên do năm ngoái điểm chuẩn đã ở mức cao (ngành khoa học máy tính chương trình đại trà năm ngoái đã ở mức 28 điểm).

Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết năm 2020 trường có một ngành điểm chuẩn ở mức 27 điểm là robot và trí tuệ nhân tạo (chương trình nhân tài). Năm nay, điểm chuẩn ngành này có thể tăng 1 - 2 điểm so với điểm sàn (điểm sàn 26 điểm). Các ngành khác thuộc chương trình đào tạo nhân tài cùng lấy điểm sàn 26, thí sinh có điểm thi bằng mức điểm sàn này vẫn có khả năng trúng tuyển cao.

Cũng theo tiến sĩ Thưởng, những ngành có điểm sàn 24 (công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử) điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn 1 - 2 điểm. Trong đó, riêng 2 ngành công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng điểm chuẩn sẽ cao hơn các ngành còn lại.
 

Điểm chuẩn cao hơn điểm sàn từ 0-3 điểm?

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết theo kinh nghiệm các năm trước và căn cứ đặc thù đào tạo các ngành của trường, điểm chuẩn thường cách điểm sàn từ 0 - 3 điểm. Trong đó, từ điểm chuẩn 2 năm gần đây có thể thấy một số ngành có nhiều thí sinh quan tâm ổn định như: thú y, ngôn ngữ Anh, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin… Các ngành có điểm sàn gần với điểm chuẩn như: lâm nghiệp, phát triển nông thôn và 2 phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận.

GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng dự đoán điểm trúng tuyển năm nay sẽ tăng hơn các điểm của năm ngoái từ 1 - 3 điểm, tuỳ theo ngành. Do điểm thi năm nay cao hơn, đặc biệt là tổ hợp có môn ngoại ngữ. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên các trường sợ không tổ chức thi tốt nghiệp THPT được nên đã điều chỉnh chỉ tiêu xét học bạ cao hơn, do đó chỉ tiêu cho dựa vào kết quả thi THPT bị ít lại. Tình hình dịch bệnh kéo dài không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới nên ảnh hưởng đến việc đi du học của thí sinh và thí sinh phải đăng ký học trong nước. Một phần nữa là do kỳ thi đánh giá năng lực của một số trường bị hoãn nên phải dựa vào kết quả thi THPT.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng dự báo điểm chuẩn các ngành năm nay có thể nhỉnh hơn nhưng không nhiều so với năm ngoái. Năm 2020, ngành kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao nhất (25,54 điểm) và chương trình chất lượng cao, quốc tế song bằng điểm chuẩn thấp nhất (22,3 điểm).

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi