Kinh nghiệm ôn thi Văn tốt nghiệp THPT giai đoạn nước rút

Xin gửi tới các thí sinh kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT 2022 môn Văn giai đoạn nước rút dưới đây để tham khảo.
Kinh nghiệm ôn thi Văn nước rút này được đúc kết từ bạn Hà Vân, mang tính chất tham khảo. 

Vậy là chỉ còn khoảng 100 ngày nữa thôi các em sẽ trải qua một trong những kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời của mình. Không biết 3 tháng cuối này các em đã ôn tập thế nào rồi nhỉ??? Các anh chị cũng đã chia sẻ khá nhiều những kinh nghiệm, phương pháp học tập, ôn thi của mình rồi đúng không? Còn hôm nay, khi thời gian đang ngày càng rút ngắn hơn, chị muốn chia sẻ kinh nghiệm ôn tập môn Văn của mình vào tầm này năm ngoái và mong rằng chúng có thể giúp ích cho các em trong kỳ thi cam go sắp tới nhé!
 

I. Đọc hiểu

Đây từng là nỗi lo của chị trước khi chị chưa biết cách làm. Phần này là phần dễ ăn điểm nhất đó nên nếu nắm chắc cách làm, sẽ không khó để các em được từ 2.5 điểm trở lên đâu nha . Còn đây là một số tips chị muốn nhắn nhủ tới các em sau khi chị đã ôn luyện kha khá về phần này 1 năm về trước nè

- Chỉ nên dành 15-20ph cho phần này thôi nhé.

Khi nhận đề em nên dành 2-3ph đọc toàn bộ đề, lấy lại tinh thần bình tĩnh để có sự tập trung cao độ nhất khi làm bài. Phần này chỉ 15ph vì đọc hiểu cũng giống như đọc hiểu trong Tiếng Anh vậy, quan trọng là đủ ý, chính xác. Vì vậy không nên quá chú tâm mà dẫn đến thiếu hụt thời gian cho 2 phần còn lại, nhưng cũng không có nghĩa là làm bài 1 cách hời hợt nhé

- Trả lời đúng trọng tâm.

Có 4 câu hỏi thì thường 2 câu đầu là hỏi gì trả lời đó, đừng tham lam viết dài dòng. Câu hỏi hỏi gì, em gạch chân dưới từ khóa để xác định trọng tâm, rồi quay ngược lên bài để tìm thông tin tương ứng. Với 2 câu sau thì cần suy luận, viết văn vẻ hơn. Ví dụ như: “Anh chị hiểu … như thế nào?” hoặc “Theo anh chị thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm là gì?” … Với những dạng này, vẫn phải dựa vào ý của bài để bám sát nội dung câu hỏi, triển khai thêm ra theo ý của mình, nhưng không cần thiết là thành một bài văn 3 phần hoàn chỉnh, mà nó sẽ chỉ tương tự như việc em xây dựng luận điểm cho 1 câu chủ đề mà thôi.

- Luyện làm dưới áp lực thời gian.

Việc dành 15-20ph làm 1 đề đọc hiểu là không khó phải không nào? Như chị năm ngoái, tầm này khi đã luyện nhiều, luyện quen, chị có thể làm 5 đề trên lớp, về nhà lại luyện thêm tầm 3-5 đề nữa. Đương nhiên không ép bản thân quá, nhưng làm càng nhiều thực sự mới có thể cải thiện được kĩ năng, quen cách làm bài và áp lực thời gian. Muốn làm được nhiều thì các em phải chịu khó sưu tầm, ngoài đề các cô cho trên lớp thì có thể lập thành nhóm cùng nhau tìm đề, cùng làm và thảo luận câu trả lời thỏa đáng nhất ^^

II. Nghị luận xã hội

- Phần này giới hạn thời gian 20-25ph nè.

Nội dung câu hỏi thường gắn liền với phần Đọc hiểu nên muốn hiểu kĩ hơn về yêu cầu phần này, chị khuyên các em nên đọc lại phần văn bản đã cho để hiểu dụng ý tác giả, từ đó triển khai theo hướng đi của các em nhé.

- Viết đoạn văn chứ không phải bài văn.

Đây là yêu cầu của Bộ nên đừng ai nhầm lẫn nhé. Các em cần hiểu chính xác thế nào là đoạn văn để không bị nhầm lẫn cả về hình thức lẫn nội dung trình bày. Đề thường sẽ ra hướng tới khía cạnh của một vấn đề nào đó mà lệnh đề thường chỉ rõ (VD: ý nghĩa, hậu quả, lợi ích…). Hãy bám sát vào nội dung đề hỏi mà triển khai nhé

- Hình thức, bố cục đoạn văn: Như 1 bài văn thu nhỏ khoảng 22-25 dòng

+ Câu chủ đề: 1 câu. Giới thiệu vấn đề/câu nói được trích dẫn ở đề bài
+ Thân đoạn (10-12 câu): trong đó: 1 câu giải thích/ nêu khái niệm của vấn đề’ 1-2 câu nêu ví dụ, còn lại tập trung làm rõ cho yêu cầu đề bài. Hỏi ý nghĩa thì phải tập trung vào ý nghĩa. Hỏi nguyên nhân thì phải xác định nguyên nhân... Lưu ý là không có ý nghĩa chung chung, ý nghĩa luôn bộc lộ ở các quan hệ cụ thể. Nguyên nhân thì phải xét cả khách quan và chủ quan…
+ Kết đoạn: Có thể liên hệ bản thân, bài học e rút ra được hay 1 đúc kết nào đó phù hợp đủ để tóm tắt, tạo độ sâu cho bài của em.
Phần này ngoài sự đủ ý thì còn đòi hỏi ở các em khả năng sáng tạo, tư duy đoạn văn hay một vấn đề. Nó đòi hỏi ở em những kiến thức xã hội cơ bản, và cũng là phần em thể hiện những chính kiến, quan điểm, lập trường và sự tinh tế của mình. Vì vậy, hãy là một người viết thông minh nhé, ở cách chọn ví dụ, ở cách chọn từ ngữ sao cho ngắn gọn mà vẫn đủ sức lột tả ý nghĩa, ở những lập luận sắc bén và ở những quan điểm cá nhân có cơ sở. Còn 2 tháng hơn, chị tin các em có đủ khả năng để nâng điểm dễ dàng ở phần này và phần Đọc hiểu đúng không nào ?? ^^

III. Nghị luận văn học

Phần chiếm nhiều điểm và cũng tốn nhiều công sức của các em nhất đây rồi!!! Và đây cũng là phần khó ăn điểm cao nhất nhưng không gì là không thể nếu ta không có phương pháp phù hợp đúng không nhỉ??

- Dạng đề: Vì là dạng so sánh nên độ khó tăng lên rất nhiều. Nó đòi hỏi ở các em sự xử lý kiến thức, kỹ năng trình bày ở mức rất cao nên các em phải hiểu thật rõ từng tác phẩm, nắm chắc cả chi tiết và tổng thể. Có thể đề sẽ hỏi vào những khía cạnh trong nội dung tác phẩm, những đặc điểm của hình tượng nhân vật, những đoạn văn, những hình ảnh trong thơ. Vì vậy, hãy lên danh sách tất cả các dạng khả năng, so sánh có thể để nếu có thời gian, em cùng các bạn có thể thảo luận cách giải quyết từng đề một nhé 

- Lập sơ đồ tư duy cho từng tác phẩm

Với bản thân chị và các bạn chị, đây là cách hiệu quả và có tác dụng nhất. Thay vì ngồi hàng giờ đọc phần giảng văn và thuộc lòng những gì thầy cô cho ghi, các em nên dành thời gian ghi lại dưới dạng sơ đồ tư duy. Việc này vừa giúp các em có thời gian đọc lại, vừa luyện khả năng viết nhanh, tóm tắt ý, vừa là cơ hội để các em học thuộc những ý chính quan trọng trong bài.

- Cách làm (theo kinh nghiệm của chị)

+ MB: Mỗi tác phẩm lớp 12 em nên tự viết 1 MB của riêng mình và học thuộc. Tâm lý chung khi vào phòng thường là bị áp lực về thời gian, nên khi có 1 MB sẵn trong đầu, các em sẽ có tâm thế sẵn sàng hơn, suy nghĩ mạch lạc hơn cho phần tiếp theo. Viết xong phần đã học thuộc, nhớ nối liền sang yêu cầu của đề bài và nêu liên hệ với tác phẩm thứ 2 trong đề bài yêu cầu so sánh. Như vậy phần MB của e mới có đủ điểm.

+ TB:

Giới thiệu kỹ hơn về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm 1. Nhiều bạn thường gộp phần này với MB nhưng theo chị các em nên tách riêng thành phần đầu TB, rồi từ đó lái sang phần nội dung đề bài yêu cầu so sánh

Từ nội dung đề bài yêu cầu, triển khai thành các luận điểm phù hợp như đã học từ sơ đồ tư duy, lựa chọn thông minh, sắp xếp khôn khéo (VD: so sánh nhân vật thì có ngoại hình, số phận, tính cách…; so sánh chi tiết sự việc thì có hoàn cảnh, nguyên nhân, diễn biến, hậu/ kết quả…). Mỗi luận điểm nên tách thành một đoạn văn, có câu chủ đề rõ ràng vì vẫn là chấm theo ý. Chính xác, đủ ý rồi mới quan tâm đến hay, bay bổng nhé.

Xong tác phẩm 1, chuyển sang giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm 2, rồi liên hệ tới yêu cầu đề bài. Tiếp đó, phân tích ngắn gọn về đối tượng yêu cầu so sánh ở tác phẩm 2

Đến phần so sánh, đầu tiên là về nội dung. Ta chỉ ra điểm giống nhau giữa 2 đối tượng. Rồi đến phần khác nhau, phân tích rõ hơn để thấy sự khác biệt.

Lý giải về điểm giống và khác nhau (do hoàn cảnh ra đời, tư tưởng tác giả..)

So sánh về hình thức nghệ thuật cũng là một phần không thể thiếu. Nó cho thấy sự tìm hiểu tác phẩm kỹ càng của em.

+ KB: Tóm tắt lại, khẳng định giá trị của 2 tác phẩm và tầm quan trọng của 2 đối tượng được so sánh với tác phẩm

- Phần này sẽ khá dài nên cần tập trung cao độ để các em viết thật đủ ý và liên hệ được sâu nhé. Vì thế nên đừng lan man dài dòng 2 phần trên để đến phần này thiếu thời gian sẽ không kịp để viết và phân tích được sâu đâu ^^

Chị đã chia sẻ những kinh nghiệm ôn Văn của mình 1 năm về trước, khi mà chị cũng đang trong tâm trạng hồi hộp, lo lắng như các em. Bản thân chị không phải là người học online hay học theo các trang văn trên mạng nhiều vì chị nghĩ, phân tích một bài văn sâu đến đâu cũng chỉ là từng ấy ý các thầy cô đã giảng, đã chú ý cho mình trên lớp. Thậm chí học từ nhiều nguồn cùng một lúc còn gây nhiễu loạn giọng văn của em nữa. Nên trong bài này, chị xin phép không gửi gắm sự tin cậy ở bất kỳ một trang văn online nào theo quan điểm cá nhân của chị. Mà chị nghĩ các em nên tin ở chính những người thầy đang dạy mình, đã theo sát các em suốt thời gian qua. Đặc biệt, sự tự học, tự ngẫm tác phẩm đôi khi sẽ giúp các em nghiệm ra nhiều khám phá thú vị cho các bài viết của mình sau này nữa đó

Điều quan trọng là, hơn 3 tháng cuối này, các em phải thật chăm luyện đề và ôn tập kiến thức. Không còn thời gian để các em nhởn nhơ hay bình chân nữa rùi mà giờ là cuộc chạy nước rút để xem ai kiên trì, ai bền bỉ và ai quyết tâm hơn thôi. Cố gắng lên nhé! Thành công sắp mỉm cười rồi.

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi