Nhận định về đề thi tham khảo 2022 của Bộ GD&ĐT: Liệu có mưa điểm cao như 2021?

Bộ GD&ĐT vừa công bố đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2022 tất cả các môn. Nhiều giáo viên đã đưa ra nhận định của mình về đề thi tham khảo này.

Môn Văn

So với năm 2021, đề  tham khảo môn Ngữ văn năm 2022 về cơ bản vẫn giữ nguyên cấu trúc chính. Tuy nhiên, độ khó của câu hỏi giảm đi đáng kể, không kiểm tra được khả năng đọc hiểu nội dung văn bản của học sinh. Hai câu hỏi đầu tiên, ở mức độ nhận biết và học sinh có thể không cần đọc toàn bộ ngữ liệu vẫn có thể trả lời được câu hỏi. Câu hỏi ở mức độ thông hiểu và vận dụng không khó, trên thực tế, học sinh có thể dùng hiểu biết của bản thân để trả lời mà không cần đọc, giải mã nội dung của các câu thơ.

So với đề thi chính thức năm 2021, đề minh họa năm 2022, các câu hỏi đều ở mức độ phù hợp với học sinh trung bình, chỉ cần có khả năng viết mạch lạc, rõ ý là đạt yêu cầu, không kiểm tra, phân loại được năng lực đọc của học sinh.

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội không có nhiều khác biệt so với các đề trước đó, nội dung câu hỏi nghị luận vẫn là một khía cạnh rút ra của ngữ liệu trong phần đọc hiểu. Học sinh hoàn toàn có thể vận dụng kỹ năng và kiến thức xã hội của mình để tạo lập đoạn văn. Câu làm văn với 2 yêu cầu (yêu cầu chính là phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ, yêu cầu phụ là nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân) có thể thấy cả hình thức lẫn nội dung câu hỏi không quá lạ lẫm với học trò năm nay, vì vậy các em hoàn toàn có thể đạt kết quả tốt nếu ôn tập và rèn luyện giải các đề theo cấu trúc đề thi.
 

Môn Toán

Thầy Nguyễn Chiến, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội nhận định: "Đề tham khảo của Bộ GDĐT về cơ bản cấu trúc không thay đổi nhiều so với năm 2021. Trọng tâm kiến thức là lớp 12 bao phủ toàn bộ các chương lớp 12. Riêng lớp 11 có 5 câu, gồm 2 câu tổ hợp xác suất, 1 câu cấp số cộng, 1 câu khoảng cách, 1 câu góc. Các nội dung này chủ yếu ở mức nhận biết thông hiểu và vận dụng thấp.

Từ câu 1 đến 30, mục tiêu để xét tốt nghiệp nên đề cho đơn giản hơn so với các năm trước.

Đề sắp xếp đảo lộn các chương, theo thứ tự từ dễ đến khó. Các câu vận dụng cao là phần hàm số, số phức, hàm số mũ loga, Oxyz. Các câu vận dụng cao không quá mới lạ nhưng nhiều thí sinh có thể mắc sai lầm ở 1 khâu nhất định khi giải. Đề có tính phân loại tốt, đảm bảo cho mục tiêu kép là thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học".

Môn Vật lý

Đề thi có 45% (18 câu) số câu hỏi là bài tập tính toán, 55% (22 câu) số câu hỏi lí thuyết. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ. Câu 36 là loại câu hỏi kết hợp kiến thức chuyên đề dòng điện không đổi (lớp 11) và dao động và sóng điện từ (lớp 12) đã từng xuất hiện dạng thức tương tự trong đề thi Tốt nghiệp THPT 2021 lần 1.

Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Vật lí 12 là: Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Điện xoay chiều và Hạt nhân nguyên tử. Số lượng câu khó thuộc các chuyên đề cụ thể như sau:

- Dao động cơ: 1 câu về dao động khác tần số của con lắc đơn.

- Sóng cơ và sóng âm: 1 câu về khoảng cách trong giao thoa sóng cơ.

- Điện xoay chiều: 1 câu về đồ thị điện áp theo thời gian của mạch có điện dung C thay đổi.

- Hạt nhân nguyên tử: 1 câu về xác định tuổi của cổ vật.

Nếu so sánh với đề tham khảo năm 2021 thì đề tham khảo 2022 có độ khó cao hơn hẳn, còn nếu so với đề thi tốt nghiệp THPT 2021 thì có mức độ tương đồng.

Nguồn tin: tuyển sinh số

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi