Nhiều ngành thiếu nhân lực nhưng rất khó tuyển sinh

Nhiều ngành được xác định trong chiến lược phát triển bền vững, rất thiếu nhân lực nhưng các cơ sở đào tạo gặp khó trong tuyển sinh
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại một hội thảo liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ vừa được tổ chức, các chuyên gia đã chia sẻ một nghịch lý đáng quan tâm. 
Đó là thực trạng nhiều ngành nghề rất thiếu nhân lực nhưng các trường đại học lại chật vật tuyển sinh.
Theo GS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào, sự phát triển ngành nghề đào tạo của các trường đại học phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tuyển sinh, không chủ động được trong đào tạo những ngành nghề nhà trường thấy xã hội sẽ cần.
Ví dụ, ngành đường sắt cao tốc cần kỹ sư đầu máy, toa xe, đường ray… nhưng ngành xây dựng nói chung và ngành cầu đường nói riêng những năm qua tuyển sinh rất chật vật. Khi thiếu chỉ tiêu, khó duy trì ngành đào tạo. 
Mặt khác, việc dự báo chương trình đào tạo trong bối cảnh hiện nay rất khó, một ngành nghề "hot" hiện tại nhưng 5 - 7 năm sau chưa chắc đã tồn tại.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết quả tuyển sinh năm 2023 cho thấy nhiều lĩnh vực có tỉ lệ thí sinh nhập học chiếm dưới 1%, thấp nhất là dịch vụ xã hội (0,41%), thú y (0,48%).
Các ngành khoa học cơ bản như: khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, toán và thống kê có tỉ lệ tuyển sinh ở mức 0,5 - 0,7%. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, môi trường và bảo vệ môi trường có trên 0,85% thí sinh đăng ký.
Đáng chú ý, trong 3 năm liên tiếp (từ 2020 - 2022), 4 lĩnh vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Nhiều ngành liên quan đến lĩnh này có điểm chuẩn chỉ khoảng 15 điểm/3 môn (tính cả điểm ưu tiên) nhưng vẫn không có người học.
Ông Phạm Văn Thuận, Trưởng phòng Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Tây Nguyên, cho biết mấy năm nay, một số ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Nhiều công ty, doanh nghiệp về trường để tuyển dụng việc làm, với mức lương khá cao nhưng không có sinh viên để tuyển.
"Có công ty về trường tuyển dụng 400 lao động nhưng nhà trường không đủ sinh viên để đáp ứng chỉ tiêu. Có thể nói, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản rất "khát" nhân lực, sinh viên ra trường "đắt như tôm tươi". Tiếc là, nhiều gia đình, học sinh không mặn mà với lĩnh vực truyền thống này" - ông Thuận nói.
Trường ĐH Bách khoa (thuộc ĐH Quốc gia TP HCM) cũng cho biết có những ngành tuyển không nổi 10 sinh viên hoặc chưa tới 50% chỉ tiêu như: địa chất học, kỹ thuật địa chất, hải dương học, khoa học môi trường... 
Một số ngành như: triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý,... chỉ duy trì tuyển khoảng 50 - 100 sinh viên mỗi năm, ít hơn các ngành khác rất nhiều.
Nhiều chuyên gia cho rằng những ngành, nhóm ngành nói trên hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ một số mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia nên cần phải có chiến lược mới thu hút người học, tránh để thiếu hụt lực lượng nhân lực quan trọng này.
 

Nguồn tin: Báo Người lao động

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi