Sai lầm khi chọn nghề, chọn trường: 5 sai lầm học sinh rất dễ mắc phải
1. Chạy theo đám đông, chạy theo ngành HOT
Nhiều thí sinh lựa chọn ngành nghề theo sở thích, đam mê nhưng cũng không ít bạn trẻ lại chọn nghề chạy theo hiệu ứng đám đông. Điều này rất dễ xảy ra ở những học sinh chưa biết mình thích gì, muốn làm gì. Hiện nay có rất nhiều ngành HOT như: Công nghệ thông tin, Logistics,... luôn có điểm chuẩn cao ngất ngưởng suốt nhiều năm qua. Ai cũng mong muốn theo đuổi những ngành này để có cơ hội việc làm rộng mở và mức lương hấp dẫn sau khi ra trường.
Tuy nhiên, bạn nên biết rằng các ngành học HOT cũng sẽ 'nguội' rất nhanh bởi nhu cầu của xã hội luôn thay đổi không ngừng. Ngành học có thể siêu HOT ở thời điểm hiện tại, ồ ạt thí sinh đi theo và rất có thể sẽ bão hòa nhân lực sau khoảng 3-4 năm sau. Vì vậy, đừng chọn ngành theo xu thế trừ khi bạn thật sự yêu thích và muốn theo đuổi chúng.
Chuyên gia khuyên các thí sinh ở mức điểm ngấp nghé của nhóm ngành Công nghệ, Kinh tế, có thể thử cân nhắc mở rộng suy nghĩ của mình để tìm hiểu thêm những nhóm ngành thực tế trong xã hội. Chẳng hạn, các nhóm ngành như Khoa học kỹ thuật, Nông nghiệp, Chăn nuôi thú y, Thuỷ sản,... đều là những ngành có nhu cầu lớn, có tiềm năng nhưng lại không được số đông lựa chọn.
2. Lựa chọn theo quyết định của cha mẹ
Thực trạng hiện nay là rất nhiều cha mẹ quyết định trường học, ngành học thay cho con mình. Đây có lẽ là sai lầm khi chọn nghề mà nhiều bạn mắc phải và đến khi theo học ngành đó mới vỡ lẽ nó không phải sự lựa chọn đúng đắn cho mình.
Phụ huynh có cách nhìn nhận vấn đề sâu và thực tế hơn so với học sinh. Vì vậy, trong trường hợp các sĩ tử còn đang mông lung không biết lựa chọn như thế nào, nghe theo định hướng của cha mẹ cũng là phương án không tồi. Tuy nhiên, không phải lúc nào định hướng của cha mẹ cũng sẽ phù hợp 100% với mình. Mọi lời khuyên từ phụ huynh đều chỉ mang tính tham khảo, các bạn học sinh nên có sự đối chiếu với năng lực cá nhân trước khi đưa ra quyết định, tránh những nuối tiếc sau này.
Trong quá trình chọn ngành, cha mẹ nên đóng vai trò là người cung cấp thông tin để hướng nghiệp cho con, không ép buộc con. Ví dụ, với ngành Y, cha mẹ - những người đi trước có thể liệt kê những công việc một bác sĩ, y tá phải đảm nhiệm. Sau đó, đặt ra câu hỏi liệu con có thể đáp ứng được những yêu cầu đó trong suốt cuộc đời làm nghề sau này hay không. Đặc biệt không nên ép buộc con chọn ngành nghề theo hướng cha truyền con nối nếu như con cái không thực sự yêu thích ngành nghề đó.
Còn với thí sinh, thay vì nhắm mắt chọn bừa theo cha mẹ, bạn hãy trò chuyện cùng cha mẹ để tìm ra tiếng nói chung. Hãy nhớ rằng, bạn mới là người sống với quyết định của mình mỗi ngày và chỉ bạn mới biết con đường nào mình muốn đi, cũng như có thể đi xa nhất.
3. Quá thích 1 trường mà chọn bừa 1 ngành
Sai lầm khi chọn nghề tiếp theo của học sinh chính là việc chọn 1 trường danh tiếng, nghe hay, nghe kêu rồi chọn bừa bất kỳ 1 ngành nào đó trong trường này miễn là vào được trường đó. Kết quả cuối cùng là học 1 thời gian, bạn mới nhận thấy không có hứng thú với ngành đang theo học. Như vậy sẽ rất lãng phí thời gian cũng như công sức của bản thân.
Tiên quyết khi chọn ngành, chọn trường là hãy chọn ngành trước rồi mới đến chọn trường. Ngay từ đầu hãy chọn một ngành mà bản thân thật sự muốn theo đuổi, sau đó chọn ngôi trường chất lượng, phù hợp với bản thân để theo học. Thứ tự ưu tiên là chọn ngành, sau đó chọn trường.
4. Thích ngành nhưng chưa hiểu về ngành
Để tìm hiểu về ngành nghề, bạn nhớ tham khảo ý kiến cha mẹ, thầy cô, hỏi thăm ý kiến các anh chị năm trước. Bạn có thể vào các hội nhóm sinh viên của trường đó để trao đổi, chia sẻ về những khúc mắc của mình. Đam mê rất cần thiết khi chọn trường, ngành học, nhưng bạn phải hiểu rõ năng lực của bản thân mới là điều quan trọng.
Thí sinh cần nắm rõ được năng lực của chính mình và cân nhắc mức độ phù hợp giữa khả năng của chính mình với niềm đam mê riêng. Mỗi ngành nghề đều có đặc thù, tính chất và yêu cầu khác nhau. Nếu đam mê và năng lực không đi đôi với nhau thì bạn sẽ rất khó đạt được thành công trong tương lai.
Chẳng hạn,Y khoa, răng hàm mặt đều là ngành thu hút đông đảo thí sinh. Tuy nhiên, bạn không nên quá mơ mộng dẫn đến việc rớt đại học. Nếu thật sự quá yêu thích ngành y khoa nhưng không tự tin điểm số, thí sinh có thể chọn học ngành y học cổ truyền và y học dự phòng để theo đuổi đam mê của mình.
5. Chọn trường mà không để ý tới chương trình
Nhiều bạn chọn trường chỉ lo so sánh trường gần hay trường xa, học phí thấp hay cao mà quên xem chương trình học mà mình sẽ theo học trong 4, 5 năm. Có trường đào tạo theo hướng hàn lâm, có trường đào tạo theo hướng ứng dụng, có trường dạy theo chuẩn quốc tế, có trường lại dựa vào chương trình khung của Bộ. Nếu thích nghiên cứu thì hướng hàn lâm có lẽ là lựa chọn của bạn, còn muốn có việc 'ngay và luôn' thì nên chọn hướng ứng dụng, cần nâng cao khả năng tiếng Anh hay muốn đi nước ngoài thì theo chương trình chuẩn quốc tế...
Bạn phải tham khảo kỹ chương trình học trước khi chọn trường nhé. Nhiều trường công bố chương trình học trên trang web của mình, bạn chỉ cần search google là ra.
Nguồn tin: Sưu tầm
Những tin cũ hơn:
- Các khối thi đại học và các ngành nghề tương ứng 2025
- Bỏ xét học bạ, lùi công bố điểm xét tuyển sớm: tạo công bằng trong tuyển sinh đại học
- Các trường công an xét tuyển bổ sung chỉ tiêu năm 2024
- 2k7 thi tốt nghiệp như thế nào?
- Nhiều ngành thiếu nhân lực nhưng rất khó tuyển sinh
- Các loại bệnh được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự mới nhất
- Nghĩa vụ quân sự 2025: Chú trọng tuyển chọn công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng
- Bộ đề luyện thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Tiếng Anh cấu trúc mới (có đáp án)
- Danh sách tổng hợp các ngành nghề hiện nay
- Tổng hợp 600 từ vựng tiếng Anh bám sát sách giáo khoa lớp 12 chương trình mới