Tuyển sinh 2022: 20 con đường giúp thí sinh vào ĐH

Năm nay, các trường đều kế thừa và tiếp tục đa dạng hơn nữa các phương thức tuyển sinh ĐH, nhằm tuyển được những thí sinh tốt nhất. Theo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 mà nhiều trường đã công bố, năm nay, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký xét tuyển theo khoảng 20 phương thức.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thông báo tuyển sinh từ nhiều trường ĐH đã công bố, mỗi trường đều áp dụng khoảng 4-6 phương thức tuyển sinh. Nhiều trường có những phương thức mới mẻ, khác mọi năm. Tính đến thời điểm này, đã có khoảng 20 phương án vào ĐH. Điều này giúp cho cơ hội vào ĐH của các thí sinh cũng rộng mở hơn. 

Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT

Bộ GD&ĐT có quy định về các thí sinh được tuyển thẳng vào ĐH. Theo đó, các thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp THPT... được tuyển thẳng vào các trường ĐH nhưng chỉ tiêu này thường không nhiều. 

ĐH Bách khoa Hà Nội xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đây là một trong 3 phương thức của nhóm xét tuyển tài năng. Chỉ tiêu dành cho 3 phương thức chiếm 20-30% tổng chỉ tiêu.

Ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định riêng của trường

Ngoài quy định xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển của Bộ GD&ĐT, một số trường cũng có quy định riêng. Chẳng hạn như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của trường những thí sinh giải 1, 2, 3 cấp tỉnh, giải khuyến khích Học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc giải 4 cuộc thi KHKT cấp quốc gia; Học sinh giỏi trường Chuyên - Tốp 200; Xét điểm IELTS quốc tế; Điểm SAT quốc tế; Trường THPT liên kết do Hiệu trưởng giới thiệu.

Xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi chung toàn quốc. Đến nay, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đều được các trường áp dụng. Tuy nhiên, theo xu thế năm 2022, chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có xu hướng giảm nhưng tại nhiều trường ĐH, đây vẫn là phương thức tuyển sinh chủ đạo. 

Xét học bạ THPT

Xét học bạ hay kết quả học tập THPT cũng là phương thức ngày càng được nhiều trường lựa chọn. Tại ĐH Công nghiệp TP.HCM Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT năm lớp 12 (các môn có trong tổ hợp xét tuyển của ngành xét tuyển tương ứng). Mức điểm nhận hồ sơ là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 21 điểm trở lên. Riêng ngành dược học thì ngưỡng điểm nhận hồ sơ là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 24 điểm trở lên và đáp ứng quy định chung với khối ngành sức khỏe.

Xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy

Theo dự kiến, năm 2022, trường ĐH Quốc gia HN, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Trong khi đó, ĐH Bách khoa HN tổ chức bài thi đánh giá tư duy. 

Theo thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội, đến nay, gần 50 đại học đăng ký sử dụng kết quả từ kỳ thi để tuyển sinh năm 2022 như ĐH Thương Mại, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng... 

ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy và dùng kết quả để xét tuyển 60-70% tổng chỉ tiêu. Đây là phương thức tuyển sinh chiếm tỷ trọng lớn nhất của trường. 

Xét tuyển kết hợp 

Các trường có thể xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT hay với học bạ hoặc cả phỏng vấn, xét tuyển kết hợp giữa thi năng khiếu và điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc học bạ

 

Xét chứng chỉ quốc tế

Một vài năm gần đây, nhiều trường đã áp dụng phương thức xét chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT, ACT, A-Level... ĐH Kinh tế Quốc dân nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh có điểm SAT từ 1200 hoặc ACT từ 26 điểm trở lên. Phương thức này chiếm 1-3% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Điểm xét tuyển quy về thang điểm 30, lấy thí sinh từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.

Nguồn tin: Sưu tầm

Danh sách ngành

Đăng ký tư vấn

Gửi phản hồi